2021.10.13 LUVINA'S MIND

Phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam: Cơ hội - thách thức

Cơ hội và thách thức khi phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam như thế nào? Tìm hiểu trong bài viết sau!

Cơ hội và thách thức khi phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam như thế nào? Đây là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đặt ra khi tìm kiếm nguồn lực và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) từ bên ngoài lãnh thổ. Những năm gần đây, Việt Nam đã bắt kịp Ấn Độ, Trung Quốc trong lĩnh vực gia công phần mềm và đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu như IBM, Intel, Samsung, Canon, Fujitsu, Foxconn, nhờ những bước phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng CNTT và chất lượng nguồn nhân lực. Bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể về cơ hội và thách thức khi phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam.

Cơ hội - tương lai đầy hứa hẹn của dịch vụ phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam 

Cơ hội - tương lai đầy hứa hẹn của dịch vụ phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam

Trong số các nước tại châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có nhiều đột phá trong lĩnh vực gia công phần mềm CNTT.

Nguồn nhân lực CNTT dồi dào với chất lượng tốt cho việc phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam

Việt Nam có 70% dân số trẻ, 45% trong độ tuổi lao động

Theo Tổng cục Thống kê năm 2016, dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động đã đạt mức 54,45 triệu người, năm 2019 là 55,77 triệu người và đang có xu hướng tăng ở thời điểm hiện tại. Lợi thế về độ tuổi cho thấy khoảng một nửa dân số thuộc lực lượng lao động trẻ đã sẵn sàng làm việc. Theo thống kê trên Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2020 cho biết:

  • Việt Nam có hơn 85.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin - Điện tử, viễn thông.
  • 4 Khu công nghệ thông tin tập trung.
  • Hơn 1 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực như công nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. 
  • 158 Trường đại học có đào tạo chuyên sâu về CNTT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin mạng.
  • 55.000 Sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT mỗi năm. 

Điều này cho thấy lực lượng lao động và thị trường CNTT tại Việt Nam đang rất dồi dào. 

Tối ưu chi phí đầu tư khi phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam

Theo Markets Insider, Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách “Các quốc gia tốt nhất để thuê ngoài trên thế giới năm 2019”. Tùy thuộc vào kỹ năng, mức lương trả theo giờ cho các nhà phát triển Việt Nam vào khoảng $3,7. Tại Nhật, mức lương cho nhân viên IT vào khoảng $12,9/giờ, trong khi Ấn Độ là $5,6/giờ và Philippines vào khoảng $10,5/giờ. Có thể thấy, chi phí nhân lực CNTT tại Việt Nam rất thấp so với Nhật Bản và khá cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ và Philippines.

Hơn nữa, nhiều nhà cung cấp giải pháp CNTT Việt Nam hiện đang tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như AI, Blockchain, IoT,… Do đó, Việt Nam là quốc gia lý tưởng cho các công ty đang tìm kiếm giải pháp tiết kiệm chi phí cũng như công nghệ tiên tiến.

Chính trị ổn định và chính sách ưu đãi của Chính phủ trong phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam

Phát triển ngành CNTT luôn là chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Chính phủ luôn chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật CNTT. Việc phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam hướng tới thị trường Nhật Bản cũng được hưởng lợi khi lực lượng nhân công trong ngành CNTT hướng tới thị trường Nhật luôn dồi dào, chi phí duy trì ở mức ổn định.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam 

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã thiết lập trung tâm R&D tại Việt Nam như IBM, Intel, Samsung, Foxconn,... Nhiều công ty Nhật Bản cũng đã lựa chọn phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam như Toshiba, Hitachi, NEC, NTT, Nomura Research Institute,...

IBM là một trong những công ty đã lựa chọn gia công phần mềm tại Việt Nam

Sự ổn định của Việt Nam trong suốt giai đoạn dịch COVID-19

Trong năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất trên thế giới nhờ những chủ trương, hành động nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời COVID-19.

Mặc dù năm 2020 rất khó khăn với nền kinh tế toàn cầu khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng, khiến hàng triệu doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, các doanh nghiệp công nghiệp cũng có nhiều bước tiến đột phá mới. Ngay trong năm 2020, các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ mới nhất trên thế giới như: 5G, Big Data, AI,... 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam khẳng định rằng các doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiếp tục là đội tiên phong, nòng cốt chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Ông cũng đưa ra mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số sẽ đạt được vào năm 2025, thay vì 2030 như kế hoạch. 

Lợi thế đối với các khách hàng Nhật Bản khi phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam

Với khách hàng Nhật Bản, phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam có rất nhiều ưu thế về khoảng cách địa lý, năng lực tiếng Nhật của người Việt và cả tình hữu nghị rất tốt đẹp giữa hai nước.

Lợi thế địa lý

Tokyo cách Hà Nội khoảng 5 giờ bay và chênh lệch múi giờ giữa 2 nước là 2 tiếng. Điều này tạo sự thuận lợi cho các khách hàng Nhật Bản về mặt đi lại và giao tiếp giữa 2 bên khi thực hiện các dự án phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia thân Nhật

Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Nhật luôn được Chính phủ 2 bên chú trọng xây dựng, thể hiện qua các cuộc gặp gỡ cấp Chính phủ, sự hợp tác đầu tư và xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng.

Con người Việt Nam được đánh giá là cần cù, khéo léo và có quan hệ thân hữu với nước Nhật.

Năng lực tiếng Nhật ngày càng tiến bộ

Theo báo cáo nhanh của Quỹ giao lưu Quốc tế năm 2018, số người học tiếng Nhật tại Việt Nam ước khoảng 175.000 người, đứng thứ 6 trên thế giới. So với kết quả điều tra trước đó vào năm 2015, tốc độ tăng trưởng nếu xét theo số lượng học viên tiếng Nhật thì Việt Nam đứng thứ 1 thế giới. 

Số người Việt dự thi năng lực tiếng Nhật năm 2017 là 71.242 người, xếp thứ 3 thế giới, và đứng đầu Đông Nam Á. Năng lực tiếng Nhật của lao động Việt Nam đang ngày càng tiến bộ.

Một số thành tựu trong lĩnh vực phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam

Thành tựu của ngành CNTT ứng dụng cho phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam như thế nào?

Ở lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT, Việt Nam đã đạt được những thành tựu như sau:

  • Theo báo cáo năm 2016 của Tholons – tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên tư vấn, đánh giá xếp hạng về gia công phần mềm, TPHCM và Hà Nội đều nằm trong Top 20 của 100 thành phố hấp dẫn hàng đầu thế giới về gia công phần mềm công nghệ thông tin (ITO). 
  • Theo tài liệu “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công CNTT tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016” của Gartner cho biết, vào thời điểm đó, Việt Nam dẫn đầu ở vị trí số 1 trong 6 quốc gia hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu thuộc khu vực này. 5 Quốc gia còn lại trong danh sách này có thể kể đến là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Sri Lanka. 
  • Ngoài ra, trong báo cáo của Global Service Location Index, GSLI vào năm 2017 thuộc hãng tư vấn AT Kearney, Việt Nam cũng đứng thứ 6 về gia công phần mềm toàn cầu. 
  • Theo báo cáo của Cushman & Wakefield (C&W) năm 2016, 2017, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới. 
  • Trong cuộc khảo sát của Resorz Nhật Bản vào năm 2016, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn về gia công CNTT của các công ty Nhật Bản.
  • Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong năm 2018, công nghiệp phần mềm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (13,8%) với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD và doanh số xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. 

Một số thách thức khi phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam 

Thứ nhất đó là vấn đề giao tiếp. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung của toàn cầu, tuy nhiên, trình độ của các kỹ sư Việt Nam còn nhiều hạn chế. Có thể thấy, Ấn Độ có ngành gia công phần mềm mạnh nhất trên thế giới, một phần vì người dân nước này nói được tiếng Anh khá thành thạo. Tuy nhiên, với thị trường Nhật Bản, Việt Nam lại có ưu thế hơn Ấn Độ khi là một quốc gia thân với Nhật. Số lượng người trẻ học tiếng Nhật cũng đang gia tăng nhanh chóng. 

Thứ hai là vấn đề kỹ năng thực hành. Đa phần các trường đào tạo ngành CNTT đưa ra những dạng bài tập lý thuyết, chưa chú trọng đến thực hành, khiến cho sinh viên ít có cơ hội cọ xát với thực tế để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Mặc dù vậy, sinh viên Việt Nam lại được đánh giá là ham học hỏi, tiếp thu nhanh và có khả năng nhanh chóng bắt kịp yêu cầu của doanh nghiệp sau một thời gian bắt tay vào làm dự án thực tế.

Thứ ba là đa số các doanh nghiệp CNTT có quy mô nhỏ nên không có sự tập trung về nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và sức cạnh tranh cho những dự án quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam chưa tham gia sâu vào quá trình thiết kế phần mềm mà mới chỉ thực hiện công đoạn có giá trị gia tăng thấp như lập, kiểm thử phần mềm.

Với mục tiêu phát triển một triệu kỹ sư phần mềm vào năm 2021, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tăng cường số lượng và chất lượng nhân lực CNTT bằng cách sửa đổi luật và ban hành các biện pháp phù hợp để vượt qua thách thức trên. Đồng thời, đưa ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm dịch vụ CNTT tại Việt Nam trong việc kết nối với nguồn nhân lực địa phương.

Làm sao để chọn được công ty phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam uy tín?

Với số lượng ngày càng nhiều đơn vị phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam, việc tìm kiếm một công ty phù hợp với doanh nghiệp có thể rất khó khăn. Do đó, điều cần thiết là doanh nghiệp phải có một bức tranh rõ ràng về các mục tiêu ưu tiên chỉ số hiệu suất và kỳ vọng tăng trưởng trước khi quyết định chọn nhà cung cấp phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam. Một số yếu tố quan trọng khác cần lưu ý là:

  • Chất lượng nguồn nhân lực: Năng lực kỹ thuật và kỹ năng giao tiếp.
  • Kiến thức và kinh nghiệm thực tế.
  • Tiêu chuẩn chất lượng.
  • Quy trình đảm bảo chất lượng (Quality Assurance) và kiểm thử.
  • Mô hình định giá và phương pháp phát triển phần mềm.

Phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam là lựa chọn tốt nhất cho những ai muốn cân bằng giữa dịch vụ chất lượng cao và giá cả hợp lý. Nếu sở hữu công ty kinh doanh hệ thống phần mềm, end-user hoặc start-up có áp dụng phần mềm trong kinh doanh, dịch vụ phát triển offshore sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng biến những ý tưởng công nghệ của mình thành hiện thực. Qua đó, doanh nghiệp cũng có thể thấy rõ tiềm năng của dịch vụ phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam qua việc tận dụng lợi thế về nhân tài IT với chi phí thấp.

Với kinh nghiệm 17 năm cung cấp dịch vụ phần mềm cho thị trường quốc tế, Luvina Software JSC đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau và đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều công ty lớn đến từ Nhật Bản. Chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp xây dựng giải pháp, sản phẩm phần mềm chất lượng cao cũng như cung cấp hàng loạt các dịch vụ CNTT liên quan, từ thiết kế đến phát triển, bảo trì và vận hành hệ thống phần mềm cũng như phát triển phần mềm offshore tại Việt Nam.

Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn thêm!

back to top